Ngày 23/6, tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng vẫn giữ ở 20.618 đồng. Các ngân hàng thương maị niêm yết phổ biến ở 20.550 – 20.630 đồng một USD. So với cao điểm điều chỉnh vào thứ 5, thứ 6 tuần trước, các ngân hàng thương mại đã liên tục hạ 160 đồng mỗi USD giá bán ra. Việc thị trường ngoại hối bình ổn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô vốn đang bị phủ bóng đen lạm phát và lãi suất quá sức chịu đựng của nền kinh tế.
Những động thái điều chỉnh chính sách trên thị trường ngoại hối như: tiếp tục tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ và giảm trần lãi suất huy động bằng USD với các tổ chức tín dụng và cá nhân của NHNN thời gian qua đã hạn chế tăng trưởng tín dụng, đồng thời giúp khơi thông dòng tiền tiết kiệm chảy vào ngân hàng, tăng tính hấp dẫn của VNĐ và chống đô la hóa nền kinh tế. Ngoài ra, tỷ giá giảm cũng kéo theo lãi suất huy động tại các ngân hàng hạ nhiệt. Đã bớt tình trạng cò kè lãi suất tiền gửi VNĐ cao ngất ngưỡng trước đây.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các ngân hàng đã mua được một lượng khá lớn ngoại tệ từ người dân và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đã mua bổ sung gần 3 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Điều này lý giải chuyện tỷ giá giảm do nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Và chính sách chống chống đô la hóa đã phát huy tác dụng, khôi phục vị thế của VNĐ.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại những tác động ngược. Dẫn chứng là do chênh lệch lãi suất VNĐ so với USD khá cao (16 -17%) nên xu hướng vay ngoại tệ của doanh nghiệp ngày càng tăng. Lượng ngoại tệ các ngân hàng cho vay đến tháng 5 tăng tới 18,9%, trong khi tín dụng nội tệ chỉ tăng 2,59%. Tỷ giá giảm, doanh nghiệp đua nhau vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa làm tăng nhập siêu. Nhập siêu 5 tháng xấp xỉ 6,6 tỷ USD, tương đương 19,5% kim ngạch xuất khẩu, khiến việc kiểm soát nhập siêu khó khả thi. Trong khi đó, thu hút FDI 5 tháng chỉ khoảng 4,7 tỷ USD, bằng 51% so với cùng kỳ và chỉ bằng 23,5% kế hoạch cả năm. Nếu tín dụng USD tiếp tục tăng trưởng như trên, căng thẳng tỷ giá cuối năm là điều có thể dự báo trước.
Điều lo ngại nữa là xu hướng tỷ giá USD giảm liệu có duy trì được lâu dài. Bởi nguồn cung ngoại tệ thường căng thẳng vào những tháng cuối năm. Khi nhu cầu mua USD của các doanh nghiệp nhập khẩu tăng mạnh, gây sức ép lên cân đối cung – cầu ngoại tệ. Ngoài ra, chính sách giảm trần lãi suất huy động USD cũng có thể sẽ hạn chế lượng kiều hối chảy về Việt Nam.
Do vậy, tỷ giá thấp mới chỉ là niềm vui trước mắt, trung và dài hạn thì vẫn còn là nỗi lo. Việc nâng giá VNĐ đang là điều cần thiết, để thúc đẩy không chỉ nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà còn thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước, tăng tích luỹ tài sản bằng tiền đồng, góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
0 nhận xét