Không để cho các doanh nghiệp bình ổn giá chịu lỗ nhưng doanh nghiệp phải chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng
Trong cuộc họp giao ban giữa các sở, ngành với các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn giá trên địa bàn TPHCM chiều 23-6, nhiều DN cho biết đang chịu lỗ vì giá thị trường tăng quá nhanh, hàng bình ổn… theo không kịp.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, bức xúc: Giá heo hơi ở TPHCM đã lên 62.000 đồng – 63.000 đồng/kg, ở phía Bắc lên đến 68.000 đồng/kg; giá thịt heo trên thị trường có loại lên đến trên 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt heo bình ổn của Vissan chỉ 82.000 đồng – 89.000 đồng/kg. Hiện trung bình Vissan chịu lỗ gần 10.000 đồng/kg thịt heo các loại và mỗi ngày lỗ gần 200 triệu đồng đối với mặt hàng thịt tươi sống. Trong khi đó, giá cám, heo giống đang lên nên dự kiến giá thịt heo sẽ còn tăng, cộng thêm nguồn cung giảm làm tăng áp lực đối với DN. Vissan đã có văn bản xin tăng giá thực phẩm chế biến bình ổn cách đây một tháng, một tuần trước cũng đã gửi đơn kiến nghị tăng giá thịt tươi sống bình ổn 10% - 15% nhưng chưa thấy Sở Tài chính trả lời.
Cũng kêu lỗ về giá, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết phía Trung Quốc tăng cường mua gom trứng vịt muối để sản xuất bánh trung thu, gom cả vịt thải khiến nguồn cung sụt giảm, nếu không được tăng giá thì DN bình ổn không thể cầm cự nổi. Trong vòng chưa đầy một tháng, Công ty Ba Huân phải 2 lần kiến nghị xin tăng giá trứng vịt từ 27.000 đồng/chục lên 29.500 đồng/chục rồi 33.000 đồng/chục (Sở Tài chính đã duyệt cho tăng giá trứng vịt bình ổn lên 32.500 đồng/chục).
Ở góc độ nhà phân phối, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, đề nghị các cơ quan chức năng cung cấp các thông tin về dự báo thị trường – sức mua, biến động giá, những thay đổi về quản lý Nhà nước… để DN có thêm thông tin nhằm chủ động cân đối, tạo nguồn hàng.
Chia sẻ khó khăn với DN trước những biến động của thị trường trong thời gian qua, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, khẳng định quan điểm của TPHCM là không để cho các DN bình ổn giá chịu lỗ nhưng DN phải chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Trước diễn biến giá thịt gia súc, gia cầm tăng cao, TP dự kiến sẽ tăng lượng thịt heo, gà bình ổn cho một số đơn vị. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các DN bình ổn giá phải đầu tư vào chiều sâu: Chủ động đầu tư tạo nguồn hàng và liên kết với nhau.
Đưa hàng bình ổn đến với người nghèo Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Lê Ngọc Đào cũng nêu rõ quan điểm của chương trình trong năm nay là phát triển điểm bán hàng bình ổn giá tại các quận, huyện ngoại thành, đưa hàng đến với người nghèo, người thu nhập thấp nên không khuyến khích các DN mở thêm điểm bán ở nội thành. Thay vì phát triển điểm bán, DN cần tập trung chấn chỉnh lại hoạt động, kiểm soát chất lượng ở những điểm sẵn có: Bảo đảm điểm bán có hàng, tránh tình trạng đưa hàng ra nhỏ giọt; điểm bán hàng phải treo băng rôn để người tiêu dùng nhận biết, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết... |
Thanh Nhân
NLĐ
0 nhận xét